Ngân sách Malaysia năm 2025, với chủ đề Kinh tế Madani, đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của quốc gia này trong việc thúc đẩy chuyển đổi số. Trọng tâm của ngân sách là khuyến khích ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI), thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và đưa Malaysia trở thành trung tâm kỹ thuật số hàng đầu trong ASEAN.
Ông Anuar Fariz Fadzil, Tổng Giám đốc Tập đoàn Kinh tế số Malaysia (MDEC), nhận định Ngân sách Madani 2025 được công bố vào thời điểm quan trọng khi Malaysia chuẩn bị đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2025. Ngân sách mang đến nhiều sáng kiến chiến lược, khẳng định quyết tâm của Malaysia trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực về AI, kinh tế số và đổi mới sáng tạo.
Để hiện thực hóa các mục tiêu số hóa, Ngân sách 2025 cung cấp nhiều ưu đãi hấp dẫn cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trong các lĩnh vực tạo ra giá trị cao như dịch vụ kỹ thuật số. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cũng được hưởng lợi từ các chính sách khuyến khích số hóa, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng khốc liệt.
Dựa trên nền tảng kinh tế số vững chắc, dự kiến đóng góp 25,5% vào GDP năm 2025, Ngân sách 2025 ưu tiên phúc lợi và thịnh vượng cho người dân. Các sáng kiến trong ngân sách sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái số quốc gia hiệu quả và thu hẹp khoảng cách kinh tế – xã hội.
Năm 2024, Malaysia đã thu hút được 16,9 tỷ USD đầu tư từ các tập đoàn công nghệ toàn cầu như AWS, Microsoft, Google và Oracle. Kết quả này khẳng định vị thế của Malaysia là cửa ngõ thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đám mây trong khu vực. Các khoản đầu tư này sẽ tạo thêm việc làm, nâng cao kỹ năng cho người lao động và thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng số.
Trong lĩnh vực AI, Ngân sách phân bổ 10 triệu ringgit (2,32 triệu USD) cho Văn phòng AI quốc gia và 50 triệu ringgit (11,62 triệu USD) cho giáo dục AI, thể hiện cam kết của chính phủ trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh chuyển đổi số, Ngân sách 2025 của Malaysia cũng tập trung vào chuyển đổi năng lượng sạch. Chương trình tài trợ công nghệ xanh (GTFS) được gia hạn đến năm 2026 với giá trị 1 tỷ ringgit (230 triệu USD).
Ông Davis Chong, Giám đốc điều hành Solarves, đánh giá cao những nội dung đột phá trong Ngân sách 2025, giúp Malaysia trở thành quốc gia dẫn đầu về năng lượng tái tạo. Chính phủ đã phân bổ hơn 300 triệu ringgit (69,74 triệu USD) cho Quỹ chuyển đổi năng lượng quốc gia (NETR), tăng đáng kể so với mức 100 triệu ringgit (23,25 triệu USD) năm 2024.
Nhu cầu về năng lượng Mặt Trời đang tăng cao và Chính phủ Malaysia đã gia hạn chương trình Đo lường năng lượng ròng (NEM) đến tháng 6/2025. NEM, được triển khai từ tháng 11/2016, khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo. Ngân sách cũng dành 70 triệu ringgit (16,27 triệu USD) cho các ưu đãi hoàn tiền, khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp mua thiết bị điện tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ chuyển đổi sang các giải pháp năng lượng sạch. Điều này sẽ thúc đẩy việc áp dụng năng lượng tái tạo, mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế và cộng đồng.