Nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ

Nền kinh tế Trung Quốc có thể phải chứng kiến mức tăng trưởng chậm nhất trong nhiều thập kỷ vào năm nay, giữa bối cảnh các nhà chức trách nước này vẫn đang vật lộn để vực dậy hoạt động tiêu dùng trong vòng xoáy của cuộc khủng hoảng bất động sản.

Vna Potal Xuat Khau Cua Trung Quoc Tang Tro Lai Trong Thang 4 Stand 20230718154933

Những tuần gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp nhằm “kích hoạt lại” nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và chấm dứt nhiều năm hoạt động kinh doanh trì trệ, hướng tới mục tiêu đạt được tăng trưởng kinh tế 5%/năm. Tuy nhiên, sau một đợt dậy sóng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, được thúc đẩy bởi hy vọng về một “chương trình kích thích lớn”, tâm lý lạc quan đã giảm sút khi các nhà chức trách vẫn chưa công bố con số cụ thể cho gói cứu trợ.

Trung Quốc sẽ công bố báo cáo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III/2024 vào cuối tuần này. Các nhà phân tích tham gia khảo sát dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,5% trong quý III/2024, sau khi tăng 4,7% trong quý trước đó và 5,3% trong quý I/2024. Ông Harry Murphy Cruise, nhà kinh tế tại Moody’s Analytics, cho biết nền kinh tế Trung Quốc đã được tiếp thêm sức mạnh nhờ thông báo về các gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã thất vọng khi thiếu các thông báo tiếp theo liên quan tới gói kích thích này.

Hồi tháng 9/2024, Chính phủ Trung Quốc đã tiết lộ một loạt biện pháp để bơm tiền vào nền kinh tế, bao gồm các đợt cắt giảm lãi suất và nới lỏng các hạn chế về mua nhà. Tuy nhiên, những hỗ trợ đó sẽ không đủ để khắc phục những khó khăn trên thị trường bất động sản – vốn từng là động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc.

Các nhà phân tích dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong cả năm nay chỉ đạt 4,9% – mức tăng trưởng yếu nhất trong nhiều thập kỷ, ngoại trừ thời kỳ diễn ra đại dịch COVID-19. Chính phủ Trung Quốc từng tuyên bố “hoàn toàn tin tưởng” rằng nước này sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay và hồi sinh nền kinh tế, nhưng các nhà phân tích nhận định rằng chính phủ phải hành động nhiều hơn và bơm thêm tiền trước khi kết thúc năm nay.

Nhu cầu cần cứu trợ của nền kinh tế ngày càng rõ nét sau một loạt dữ liệu được công bố cho thấy hoạt động tiêu dùng của Trung Quốc trì trệ, lạm phát ảm đạm, tăng trưởng nhập khẩu thấp và tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng vọt. Cuối tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lam Phật An cho biết Bắc Kinh sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt để thúc đẩy chi tiêu, song không đưa ra con số cụ thể.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng nếu không có những cải cách lớn đối với nền kinh tế để giải quyết các vấn đề sâu xa về bất bình đẳng thu nhập và an sinh xã hội, sự bất ổn kinh tế sẽ tiếp tục thúc đẩy một vòng luẩn quẩn đã khiến tiêu dùng trì trệ. Thúc đẩy nhu cầu, đặc biệt là đối với nhà ở, là vô cùng cần thiết cho sự phục hồi bền vững của kinh tế Trung Quốc. Một số thành phố lớn đã nới lỏng các hạn chế về mua nhà – gần đây nhất là Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên và thành phố cảng Thiên Tân.

Mặc dù giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc khủng hoảng nhà ở có lẽ đã kết thúc, các chính sách của Trung Quốc hiện vẫn quá tập trung vào việc giải quyết cung mà không giải quyết cầu.

5/5 - (100 bình chọn)