Cổ phiếu của Tupperware đã giảm hơn 50% sau khi thương hiệu đồ lưu trữ thực phẩm này nộp đơn xin phá sản vào giữa tháng 9/2024.
Theo tờ Financial Times, cái tên Tupperware "gợi lên hình ảnh những hộp đựng thực phẩm bằng nhựa" và những bữa tiệc mua sắm sôi nổi tại "những ngôi nhà ở ngoại ô ấm cúng". Còn theo tờ The New York Times, đối với nhiều thế hệ đã lớn lên với Tupperware, tin tức này đã khơi dậy những ký ức tuổi thơ đầy hoài niệm.
Thương hiệu Mỹ này ra đời vào năm 1946 với người sáng lập là nhà hóa học Earl Tupper, người đã đã chế tạo ra loại hộp nhẹ, không vỡ, kín khí. Theo hãng tin BBC, đây là một đổi mới lớn thời bấy giờ, vì nó giúp giữ thức ăn tươi lâu hơn. Điều này không chỉ có giá trị vào thời điểm tủ lạnh vẫn chưa phổ biến trong nhiều hộ gia đình, mà còn đại diện cho sự tiện lợi khi đáp ứng nhu cầu mang đồ đi ăn, giúp các gia đình tiết kiệm tiền bằng cách không phải bỏ phí thực phẩm đắt đỏ thời hậu chiến.
Trong suốt 78 năm hình thành và phát triển, Tupperware đã cho ra đời nhiều sản phẩm gia dụng từ nhựa an toàn, phân phối sản phẩm tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tupperware dần trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu với công nghệ tiên tiến mang đến các giải pháp về lưu trữ, chế biến và phục vụ bữa ăn gia đình trên khắp thế giới. Ban đầu, ông Tupper đã gửi những chiếc hộp này cho các cửa hàng bách hóa nhưng tốc độ bán hàng còn khá chậm vì người tiêu dùng không biết cách sử dụng loại hộp mới mẻ này. Việc này khiến công ty nảy ra ý tưởng phải minh họa cách dùng, từ đó tạo ra các sự kiện "bữa tiệc Tupperware" nổi tiếng.
Các buổi "bữa tiệc Tupperware" dần trở thành sự kiện quảng bá thương hiệu phổ biến trong thập niên 1950 và 1960. Năm 1961, sự kiện này lần đầu được tổ chức ở Anh. Và chỉ 4 năm sau, nó lan đến Nhật Bản, Australia và Singapore. Một nhân vật quan trọng trong sự thành công của Tupperware là Brownie Wise, người đã biến thương hiệu này thành một "tên tuổi quen thuộc" thông qua việc tiên phong tổ chức các "bữa tiệc Tupperware". Tại những bữa tiệc này, một mạng lưới các nhà bán hàng, hầu hết đều là phụ nữ, đã tổ chức những buổi bán hàng Tupperware không chính thức tại nhà của họ. Theo tổ chức truyền thông NPR, hình ảnh thương hiệu này vẫn gợi nhớ đến nguồn gốc của nó vào những năm 1940 đó là hình ảnh phụ nữ bán hàng cho phụ nữ, thường diễn ra tại phòng khách của ai đó. Tupperware từng cách mạng hóa vai trò của phụ nữ trong nhà bếp và nền kinh tế của đất nước và ghi dấu vị trí của mình trong văn hóa Mỹ.
Suốt một thời gian dài, các bữa tiệc này là cách duy nhất để hãng bán sản phẩm. Phải đến những năm 1980, Tupperware mới mở cửa hàng bán lẻ sản phẩm. Tuy nhiên, Tupperware lại không bắt kịp sự thay đổi của thời đại. Ông Ventakesh Shankar, Giáo sư marketing và thương mại điện tử tại Trường Kinh doanh Mays, cho rằng lịch sử đã chứng minh rằng sự lâu đời không đủ đảm bảo kinh doanh bền vững. Trong khi đó, tờ Financial Times cho hay sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có mạng lưới phân phối toàn cầu không đồng đều và sự lạc hậu của hình thức bán hàng tại nhà trong thời đại mua sắm trực tuyến là nguyên nhân kéo công ty này đi xuống.
Tuy nhiên, The New York Times nhận định, dù điều gì xảy ra với thương hiệu này, cái tên Tupperware sẽ không bao giờ biến mất bởi vì nhiều người tiêu dùng sẽ tiếp tục gọi các hộp đựng thực phẩm có thể đóng kín của họ là Tupperware, bất kể nhà sản xuất thực tế là ai. Có thể đó là một phần nguyên nhân dẫn tới kết cục hiện nay của Tupperware khi các đối thủ cạnh tranh giá rẻ đã xâm nhập vào “lãnh địa” của Tupperware và hưởng lợi từ tên tuổi của công ty này.
Please share by clicking this button!
Visit our site and see all other available articles!