Các dự án tái thiết do Chính phủ và địa phương triển khai sau bão Yagi được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu vật liệu xây dựng. Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect), việc khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu như lưới điện, đường sá, trường học và trạm xá sẽ được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, chính phủ cũng sẽ hỗ trợ người dân sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa bị hư hại.
Các vật liệu xây dựng được dự đoán sẽ tăng nhu cầu bao gồm mái tôn, ngói, khung nhôm kính, gạch lát, sàn gỗ, ống nước, thiết bị điện và sơn chống thấm.
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định, sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa sẽ phục hồi nhờ thị trường bất động sản khởi sắc và nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao trong giai đoạn cuối năm. Việc áp dụng thuế chống bán phá giá với thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc cũng được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất tôn thép trong nước.
Thị trường chứng khoán ghi nhận giá cổ phiếu nhóm tôn thép đã có xu hướng tăng nhẹ sau bão. Cụ thể, từ ngày 6/9 đến hết phiên giao dịch ngày 20/9, cổ phiếu HPG tăng 2,72%, HSG tăng 1,11%, NKG tăng 2,77%.
Ngoài ra, việc các cơ quan chức năng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc cũng là yếu tố tích cực hỗ trợ cho cổ phiếu tôn thép.
Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự báo Việt Nam sẽ sớm ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá HRC vào cuối năm 2025 hoặc chậm nhất là quý I/2026.
Bên cạnh đó, động lực tăng điểm của nhóm thép còn đến từ kỳ vọng sản lượng tiêu thụ nội địa phục hồi trong nửa cuối năm 2024 nhờ lĩnh vực bất động sản nhà ở dần phục hồi và số lượng dự án mới được cấp phép gia tăng.
Nhu cầu về xi măng để phục vụ các dự án tái thiết cũng được dự báo tăng cao, có thể tác động tích cực đến các doanh nghiệp như Công ty cổ phần xi măng VICEM Hà Tiên (mã chứng khoán: HT1) và Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (mã chứng khoán: BCC).
Các công ty sản xuất thép và tôn như Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG), Công ty cổ phần Tôn Đông Á (mã chứng khoán: GDA) và Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) cũng được kỳ vọng sẽ có doanh thu tăng trưởng khi nhu cầu vật liệu để sửa chữa, xây dựng nhà cửa, cơ sở hạ tầng tăng cao.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc giá cổ phiếu tôn thép tăng chỉ là xu hướng ngắn hạn, chưa đánh dấu sự trở lại của ngành thép.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép có triển vọng tăng trưởng 10% trong năm 2024 và khoảng 8% trong năm 2025. Tín hiệu phục hồi của ngành sẽ trở nên rõ rệt hơn khi thị trường bất động sản trong nước sôi động trở lại.